Những ngày qua, câu chuyện cô giáo N. quỳ gây rúng động dư luận. Đa số ý kiến đều phản ứng hành động có tính chất trả đũa, côn đồ của phụ huynh và lên tiếng bảo vệ nhân phẩm, giá trị của cô giáo cũng như giá trị cao đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Tất cả những ý kiến trên đều rất đúng. Tuy nhiên, qua cái sự quỳ của N. có thể thấy một số điều ở góc nhìn khác.
Thứ nhất, cô giáo muốn yên chuyện nên đã quỳ. Cô lo sợ trước lời đe doạ của ông Thuận. Cô lo bị kỷ luật, có thể bị mất việc nên cô đã chấp nhận đánh đổi giá trị cao cả linh thiêng của người thầy để quỳ. Rõ ràng, gánh nặng áo cơm đã níu đôi chân cô giáo. Trường hợp như cô N. không hiếm. Nhiều thầy cô sau giờ lên lớp là ra đứng đường làm xe ôm, chạy chợ dù phải che mặt, đội mũ… Nhưng giá như cô N. đừng quỳ. Có những giá trị còn lớn lao hơn!
Cô giáo N. quỳ vì sợ phụ huynh của học trò bị phạt. Ba cháu bé đã nạt nộ, hăm doạ cô nên cô quỳ. Người nạt nộ, to tiếng là đại diện cho một loại thế lực mới. Có thể đó là những “đại ca” giang hồ núp bóng doanh nghiệp. Có thể là kẻ có nhiều mối quan hệ của các nhóm lợi ích… Họ tự ý cho mình có sức mạnh, và thực sự nhiều trường hợp họ có sức mạnh khiến người khác phải sợ.
Nhiều cơ quan công quyền, công chức đã bị đe doạ. Không ít nhà báo cũng đã phải chùn tay trước thế lực này. Trường học là thánh đường của mỗi người. Đến với trường học là đến với nơi tử tế dạy ta làm người. Nhưng rồi, thế lực ấy cũng đã xông vào.
Trước khi quỳ, có thể cô N. chỉ nghĩ, quỳ cho xong chuyện. Cô N. không nghĩ được rằng, cái sự quỳ của cô khiến cả cộng đồng bức xúc vì xúc phạm tới hình tượng lớn lao của người thầy đã được xây dựng từ bao đời nay.
Và vì sao cô N. lại bắt học sinh phải quỳ khi vi phạm? Cô N. không nên làm thế. Học sinh cũng là con người, cũng cần được tôn trọng. Có nhiều hình thức giáo dục khác nhau nhưng dứt khoát không thể bắt học sinh quỳ. Rõ ràng cô N. vừa thiếu sức mạnh của giá trị truyền thống về nghề, vừa thiếu kỹ năng sư phạm. Sự thật là vẫn còn không ít giáo viên ngày ngày lên lớp như công nhân xếp chữ. Thiếu kỹ năng mềm và vẫn tự cho mình quyền to nhất.
Nhiều người cho rằng, việc cô N. bắt học sinh quỳ khi phạm lỗi là điều bình thường, rằng bản thân họ đã từng bị phạt quỳ và từ cái quỳ đó họ lớn khôn. Điều đó có thể đúng với môi trường giáo dục còn đậm đặc tinh thần Khổng nho. Nhưng nay, tư duy về sự đổi mới đã dần đi vào tâm thức mỗi người thì không nên lấy quan niệm cũ của mình để áp đặt cho thế hệ trẻ.
Nhiều vị phụ huynh có thể tuổi thơ nghèo khó, bị bố mẹ khắt khe nên nay có con, kinh tế khá giả chiều con thành những ông kễnh con. Từ sự chiều chuộng thái quá đó nên đến trường, ra đường có thái độ không đúng mực.